Ngày 15/01/2021

Thành lập vào tháng 9/2018, qua 3 năm hoạt động, Trung tâm Học tập gắn kết Cộng đồng – trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã giới thiệu và lồng ghép mô hình học cùng cộng đồng đến 12 môn học, 41 lớp thuộc 10 chuyên ngành. Trong đó, hơn 20 giảng viên tham gia giảng dạy và 2035 sinh viên đđược tham gia vào lp hc có ứng dụng mô hình CEL/SL.

Mô hình “Học cùng cộng đồng” (Community engaged learning/Service learning – được gọi tắt là CEL hay SL) đã được bắt đầu thử nghiệm và áp dụng tại một số trường đại học ở Việt Nam từ năm 2016 với sự tài trợ của Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam (Irish Aid). Đây là một mô hình tiên tiến phổ biến trong giáo dục đại học trên thế giới, kết hợp những ưu điểm của các phương pháp đào tạo truyền thống, thực tập và hoạt động tình nguyện, đem lại những giá trị đáng kể cho giảng viên, sinh viên và chính cộng đồng nơi sinh viên ứng dụng kiến thức chuyên ngành của mình vào việc giải quyết các vấn đề và nhu cầu của người dân trong cộng đồng.

Điểm nổi bật của mô hình là sinh viên và cộng đồng cùng học hỏi lẫn nhau, tăng cường sự hợp tác, trao đổi kiến thức chuyên môn và kiến thức bản địa, qua đó nâng cao ý thức công dân của sinh viên đối với những vấn đề xã hội. Một số đơn vị đào tạo đại học ở Việt Nam đã tiên phong tích hợp CEL/SL vào chương trình giảng dạy như: Đại học Hà Nội ở miền Bắc, Đại học Hoa Sen ở miền Nam, Đại Học Kiến Trúc Đà Nẵng, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế và Khoa Du lịch – Đại Học Huế ở miền Trung.

Media/1_TH1057/Images/202101/z2132907797765-50ee1ef4a9f2fcacdd63ea7a4a455c04-20210115092047-e.jpg
 

Nhận thấy tiềm năng ứng dụng và hiệu quả tích cực của mô hình, sau khi tham gia hội thảo về Mô hình Học cùng Cộng đồng với sự tư vấn của các chuyên gia về Service Learning từ Ireland do Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị (Action for the City) tổ chức vào tháng 9/2016. Các giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã nhanh chóng áp dụng và thử nghiệm mô hình trong môn học do mình phụ trách.

Kết quả cho thấy, một mặt, sinh viên được tiếp cận với thực tiễn ngoài xã hội, nâng cao kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cần thiết thông qua quá trình học và làm việc với cộng đồng, từ đó nâng cao được ý thức và trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng và các vấn đề xã hội. Mặt khác, cộng đồng cũng được hưởng lợi từ chính hoạt động học tập của sinh viên trong quá trình phối hợp hỗ trợ sinh viên. Thành công ban đầu từ chính các môn học đã tạo động lực cho các giảng viên lan tỏa mô hình, tạo tiền đề cho việc hình thành Trung tâm Học tập gắn kết Cộng đồng tại trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (CELC-DAU).

Xuất phát điểm là giảng viên khoa kiến trúc, đồng thời là Giám đốc Trung tâm CELC-DAU, Th.S Phan Trần Kiều Trang cho biết: Những môn học được ứng dụng mô hình hầu hết vẫn thuộc các chuyên ngành của khoa kiến trúc (kiến trúc, nội thất, đồ họa). Thông qua hoạt động của môn học, sinh viên thực hiện một công việc cụ thể hỗ trợ cho cộng đồng và hoạt động đó được tính điểm chính thức trong môn học, hoạt động cũng cần thiết kế để đáp ứng được một số chuẩn đầu ra của môn học. Ngoài ra, hoạt động của Trung tâm CELC-DAU còn tập trung vào các dự án và nghiên cứu hỗ trợ cộng đồng, các công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho giảng viên và các hội thảo, workshop nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực hiện CEL, tạo ra những trải nghiệm mới cho giảng viên và sinh viên trường Đai học Kiến trúc Đà Nẵng trong các hoạt động giảng dạy, học tập và kết nối cộng đồng.

Media/1_TH1057/Images/202101/mg-0436jpg-20210115092139-e.jpg
 

Tích cực đẩy mạnh hoạt động và tăng cường kết nối sau khi thành lập, năm 2017, trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng phối hợp cùng Trung tâm Hành động vì Sự phát triển đô thị (ACCD) và Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển bền vững (CSDS) tổ chức Hội thảo khoa học “Giới thiệu mô hình Học cùng cộng đồng và cơ hội cho giáo dục Việt Nam” với sự tham gia của 50 giảng viên đến từ hơn 20 trường đại học trong nước.

Từ năm học 2018 – 2019, Trung tâm CELC-DAU đã tổ chức nhiều buổi chia sẻ tại Khoa Xây dựng, Khoa Kinh tế và Khoa Du lịch nhằm giới thiệu mô hình này đến các giảng viên bộ môn, giải đáp các thắc mắc và thảo luận về cơ hội ứng dụng CEL trong môn học, đồng thời, tìm kiếm cơ hội để gắn kết hoạt động CEL giữa các môn học trong cùng một ngành, giữa các ngành trong khoa và giữa các Khoa với nhau, tăng cường tính tương tác và kết nối cho giảng viên và sinh viên.

Tiếp đó, cuối năm 2019, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm thực hiện CEL giữa hơn 40 giảng viên các khoa là dịp để các giảng viên trình bày quá trình và kinh nghiệm thực hiện CEL, những thuận lợi, khó khăn và phản hồi của sinh viên sau khi trải nghiệm trong môn học. Từ đó, tổng kết, rút kinh nghiệm và cải tiến mô hình nhằm khuyến khích thêm nhiều giảng viên khác tham gia thực hiện CEL.

Đến nay những môn học đã được ứng dụng mô hình học cùng cộng đồng tại trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng như: Lịch sử Kiến trúc Phương Đông & Việt Nam với “Dự án nghiên cứu về cộng đồng các làng chài ở thành phố Đà Nẵng, tập trung vào việc đánh giá nguồn lực địa phương để cải thiện sinh kế người dân trong bối cảnh đô thị hóa”; Xã hội học đô thị với dự án liên kết Thử nghiệm xe đạp hỗ trợ bằng động cơ điện,…; Thiết kế Đồ đạc nội thất & Vật liệu tái chế với dự án Thiết kế và thi công không gian nội thất cho Trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Nature Dance tại Sơn Trà;… cùng nhiều nghiên cứu đã thực hiện: Dự án Nâng cao vai trò và năng lực cộng đồng trong tiến trình quy hoạch công viên Cánh đồng chùa đảo Cù Lao Chàm; Nghiên cứu Không gian đệm tại Hội An; Thiết kế hệ thống hàng rào xanh ở Mỹ An và Cẩm Thanh;…

Để thực hiện được những dự án này, Th.S Phan Trần Kiều Trang cho biết Trung tâm nhận được sự ủng hộ từ nhà trường, giảng viên, sinh viên, các cộng đồng hưởng lợi trực tiếp, các tổ chức tài trợ (IrisAid, ACCD, CSDS, ACHR, KNOW, VCE,…) và có mối liên hệ với nhiều trường đại học trong nước cũng đang mong muốn phát triển mô hình này (Đại học Kinh tế tài chính TP. HCM, Đại học Hoa Sen, Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, Đại học KHTN TP. HCM,…). Hiện tại trung tâm hỗ trợ chủ yếu các cộng đồng ở Đà Nẵng, trường tiểu học, trường mầm non, các cộng đồng dân cư lân cận.

Chia sẻ về định hướng phát triển của trung tâm trong thời gian tới, Th.S Phan Trần Kiều Trang cho biết thêm: “Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tập trung chuẩn hóa cách thực hiện CEL tại trường để đạt hiệu quả chất lượng cao nhất cho cả sinh viên và cộng đồng. Đồng thời xây dựng các cộng đồng chiến lược, để tập trung nhiều môn học ứng dụng CEL vào và tạo ra những thay đổi rõ nét, thay vì phân tán hoạt động ở các địa điểm khác nhau. Cùng với đó nhà trường sẽ xây dựng kết nối mạng lưới với các trường đại học khác để thúc đẩy và lan tỏa mô hình CEL trong các trường đại học trong nước”.

Có thể thấy, khi ứng dụng mô hình học cùng cộng đồng, đối với giảng viên môn học sẽ trở nên thú vị hơn, có thêm các kinh nghiệm thực tế khi giảng dạy, những kết quả của sinh viên có thể làm dữ liệu để giảng viên phát triển thành các đề tài nghiên cứu khoa học giữa giảng viên và sinh viên. Còn sinh viên sẽ được trải nghiệm thực tế nhiều hơn, tăng ý thức trách nhiệm xã hội và tìm thấy ý nghĩa trong các hoạt động môn học hỗ trợ cộng đồng. Bên cạnh đó, cộng đồng được hưởng lợi từ sự giúp sức của sinh viên, thay vào đó cộng đồng trở thành những chuyên gia địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực hiện các dự án khác nhau.

Những điều trên đã tạo thành sự liên kết, không chỉ khuyến khích khả năng học tập chủ động của sinh viên thông qua quá trình trải nghiệm thực tế mà còn gắn kết giữa lợi ích cộng đồng và mục tiêu học tập của sinh viên.

Nguồn: Tạp chí Tự động hóa Việt Nam.

 

Tin tức liên quan